Đây là nội dung quan trọng trong lộ trình hiện đại hóa thanh toán không dùng tiền mặt và đảm bảo an toàn hệ thống tài chính - ngân hàng, được quy định cụ thể tại Thông tư 18/2024/TT-NHNN về hoạt động thẻ ngân hàng và Công văn 1099/NHNN-TT ngày 19/2/2025 của Ngân hàng Nhà nước.
Sau ngày 1/7/2025, những thẻ chưa chuyển đổi sẽ không thể thực hiện các giao dịch như: rút tiền, gửi tiền tại máy ATM và CDM, thanh toán tại các điểm chấp nhận thẻ POS, giao dịch liên ngân hàng... Trong một số trường hợp, thẻ có thể bị khóa hoàn toàn, gây ảnh hưởng lớn đến việc sử dụng tài khoản của khách hàng.
Để không bị gián đoạn, các ngân hàng đã đồng loạt ra khuyến cáo, khách hàng cần thiết phải hoàn tất việc đối chiếu thông tin giấy tờ tùy thân, xác thực sinh trắc học để tiếp tục sử dụng tài khoản thanh toán.
Theo thông báo từ VietinBank, các khách hàng đang sử dụng dịch vụ ngân hàng số VietinBank iPay cần nhanh chóng cập nhật thông tin sinh trắc học. Việc này áp dụng cho trường hợp chưa từng đăng ký sinh trắc học trước đây, khách hàng đã đăng ký nhưng giấy tờ tùy thân của chủ hộ đã hết hạn hoặc có nhu cầu cập nhật lại hình ảnh sinh trắc học mới.
![]() |
Cùng đưa ra khuyến cao, BIDV cũng cho biết, bắt đầu từ ngày 1/7, các hộ kinh doanh chưa hoàn thành cập nhật thông tin sinh trắc học của người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền sẽ bị tạm dừng các giao dịch quan trọng, bao gồm rút tiền, thanh toán bằng phương tiện điện tử trên tài khoản thanh toán cũng như giao dịch thanh toán thẻ trực tuyến.
Các hộ kinh doanh và khách hàng tổ chức có thể cập nhật sinh trắc học trực tuyến thông qua ứng dụng ngân hàng số bằng căn cước công dân gắn chip, tài khoản VNeID hoặc đến trực tiếp các điểm giao dịch trên toàn quốc. Việc xác thực này nhằm tuân thủ quy định tại Điều 17 Thông tư 17/2024/TT-NHNN, đồng thời giúp hệ thống ngân hàng phòng ngừa các hành vi mạo danh, cho thuê hoặc mượn tài khoản để thực hiện các hoạt động gian lận, lừa đảo.
Vietcombank cho biết, theo quy định tại Điều 17 Thông tư 17/2024/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, từ ngày 01/07/2025, các khách hàng tổ chức chỉ được thực hiện rút tiền, giao dịch thanh toán bằng phương tiện điện tử trên tài khoản thanh toán sau khi đã hoàn thành việc cập nhật thông tin sinh trắc học của người đại diện hợp pháp.
Để tránh bị gián đoạn trong việc sử dụng tài khoản thanh toán bằng phương tiện điện tử (bao gồm VCB DigiBiz, VCB Cash Up, VCB iB@nking hoặc các kênh điện tử khác VCB cung cấp cho khách hàng trong từng thời kỳ), khách hàng tổ chức cần kịp thời thực hiện cập nhật thông tin sinh trắc học của người đại diện hợp pháp với ngân hàng trước ngày 01/07/2025.
Tương tự, Sacombank khuyến cáo các khách hàng doanh nghiệp cập nhật giấy tờ và sinh trắc học. Để giao dịch không bị gián đoạn, Sacombank kính đề nghị khách hàng cần kịp thời thực hiện các bước cập nhật thông tin trước ngày 1/7/2025.
Theo đó, Người đại diện hợp pháp của Doanh nghiệp/Tổ chức đến các điểm giao dịch Sacombank trên toàn quốc để được hỗ trợ cập nhật giấy tờ tuỳ thân có hiệu lực mới nhất. Người đại diện hợp pháp của Doanh nghiệp/Tổ chức cần đăng ký sinh trắc học (xác thực khuôn mặt) qua ứng dụng Sacombank Pay hoặc tại quầy giao dịch.
Ngân hàng Nhà nước khuyến nghị các hộ kinh doanh, doanh nghiệp và khách hàng tổ chức cần sớm hoàn tất việc đối chiếu thông tin giấy tờ tùy thân, xác thực sinh trắc học để tiếp tục sử dụng tài khoản thanh toán, thực hiện các giao dịch điện tử cũng như kết nối thanh toán song phương với Kho bạc Nhà nước, Bảo hiểm xã hội.
Sau mốc thời gian 1/7, khách hàng nào chưa hoàn tất việc cập nhật sẽ bị tạm ngừng cung cấp dịch vụ cho đến khi hoàn thành các thủ tục cần thiết, nhằm bảo đảm tuân thủ đúng quy định pháp luật cũng như bảo vệ an toàn giao dịch cho chính khách hàng.
Theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, ở Việt Nam, hơn 87% số người trưởng thành có tài khoản thanh toán. Nhiều ngân hàng có hơn 95% số giao dịch được xử lý trên kênh số. Năm 2023, có xấp xỉ 11 tỷ giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt (tăng 50% so với năm 2022). Tổng giá trị giao dịch xấp xỉ 200 triệu tỷ đồng.
Theo Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an, năm 2023, tổng số tiền người dân bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt trên mạng khoảng 8.000-10.000 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với năm 2022. Đây là con số dựa trên những sự việc người dân đến trình báo với cơ quan công an. Bộ Công an cũng cho biết, trong năm 2023 đã khởi tố 1.500 vụ án về tội lừa đảo trên không gian mạng.
Bình luận