Cùng với sự phát triển của công nghệ, giao dịch tài chính trực tuyến ngày càng trở nên phổ biến. Việc sử dụng ngân hàng điện tử, thanh toán qua mã QR, chuyển tiền qua ứng dụng, mua sắm trực tuyến… đã mang lại nhiều lợi ích trong cuộc sống hằng ngày của người dân, nhưng đi kèm với đó là các mối nguy hiểm tiềm ẩn về an toàn thông tin và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước, thanh toán không dùng tiền mặt đang tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt là qua các kênh như Internet, điện thoại di động và QR code. Cụ thể, tính đến hết quý I/2025, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đã tăng 44,43% về số lượng, với thanh toán qua Internet tăng 40,41%, qua điện thoại di động tăng 39,82% và qua QR code tăng 81,64%.
Giao dịch trên ngân hàng điện tử đã trở nên phổ biến nhờ sự đơn giản, thuận tiện và nhanh chóng. Tuy nhiên, các hình thức lừa đảo trực tuyến đang diễn biến ngày một tinh vi hơn, nhằm đánh cắp thông tin dịch vụ của khách hàng và chiếm đoạt tiền trong tài khoản.
![]() |
Nhận biết dấu hiệu lừa đảo chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng
Theo các chuyên gia, kịch bản chung của các đối tượng thường là giả mạo danh tính hoặc sử dụng tài khoản mạng xã hội giả mạo để liên hệ với nạn nhân, dẫn dụ khai báo thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng hoặc nhấp vào đường liên kết, tải về ứng dụng độc hại nhằm chiếm đoạt tài chính của nạn nhân.
Thông tin người nhận không rõ ràng
Một trong những biểu hiện đáng chú ý của một vụ lừa đảo là khi thông tin về người nhận tiền không rõ ràng hoặc không thể kiểm chứng được. Kẻ lừa đảo thường tạo tài khoản ngân hàng giả mạo hoặc tạm thời để thu hút nạn nhân. Điều này có thể bao gồm việc cung cấp thông tin người nhận mơ hồ hoặc không cụ thể, hoặc việc sử dụng tên không phù hợp hoặc không chính xác.
Luôn tạo tình huống cấp bách
Một chiêu thức phổ biến khác của kẻ lừa đảo là tạo ra các tình huống cấp bách giả mạo, như tai nạn, bệnh tật, hoặc các vấn đề pháp lý đột ngột, nhằm thúc giục nạn nhân chuyển tiền một cách nhanh chóng và không suy nghĩ. Bằng cách tạo ra áp lực tình huống khẩn cấp, kẻ lừa đảo cố gắng kích thích cảm xúc của nạn nhân và thúc đẩy họ vào quyết định vội vã và không cân nhắc.
Răn đe hoặc hù dọa
Một trong những dấu hiệu rõ ràng của một vụ lừa đảo là khi bạn nhận được các thông điệp đe dọa về hậu quả nghiêm trọng nếu không chuyển tiền. Kẻ lừa đảo thường sử dụng răn đe và hù dọa để làm cho nạn nhân sợ hãi và không dám chống lại. Điều này có thể bao gồm các thông điệp về việc bị khởi kiện, bị truy cứu trách nhiệm pháp lý, hoặc gặp phải nguy hiểm đối với sức khỏe hoặc an ninh cá nhân.
Chỉ nhắn tin không gọi điện xác nhận
Kẻ lừa đảo thường tránh giao tiếp trực tiếp qua điện thoại và chỉ sử dụng tin nhắn để tránh bị phát hiện giọng nói hoặc không thể cung cấp thông tin chi tiết khi được hỏi. Nếu bạn nhận được các yêu cầu chuyển tiền chỉ qua tin nhắn mà không có cuộc gọi điện để xác nhận hoặc thảo luận thêm.
Lừa đảo thông qua video giả mạo bằng công nghệ DeepFake
Ngày nay hình thức lừa đảo thông qua kỹ thuật giả mạo DeepFake ngày càng trở nên phổ biến, nhất là trong bối cảnh công nghệ phát triển nhanh như vũ bão.
Trước hết, kẻ lừa đảo thu thập hình ảnh và giọng nói của đối tượng từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm mạng xã hội, video trực tuyến hoặc các dữ liệu công khai khác.
Tiếp theo, kẻ lừa đảo sử dụng công nghệ DeepFake để xử lý thông tin đã thu thập. Họ áp dụng các thuật toán và công cụ để tái tạo lại khuôn mặt và giọng nói của đối tượng.
Sau đó, thông qua dữ liệu đã được xử lý, kẻ lừa đảo tạo ra video giả mạo. Video này có thể hiển thị đối tượng đang nói những câu nói, hành động hoặc thực hiện các hành vi mà người quen của nạn nhân không thực sự thực hiện.
Khi video giả mạo được tạo ra, kẻ lừa đảo có thể tiếp cận trực tiếp với đối tượng để thực hiện hành vi lừa đảo. Bằng cách sử dụng video giả mạo, họ thuyết phục nạn nhân tin tưởng vào sự thật của video và từ đó, thực hiện các hành động lừa đảo như yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản của kẻ lừa đảo.
Cách xử lý và phòng tránh lừa đảo chuyển khoản
Theo Ngân hàng ACB, khi phát hiện dấu hiệu của lừa đảo, điều quan trọng nhất là giữ bình tĩnh và tỉnh táo để có thể xử lý tình huống một cách logic và hiệu quả. Đừng hoảng loạn và hãy cân nhắc mọi quyết định một cách thận trọng. Nếu bạn cảm thấy mình đang bị lừa đảo, hãy dừng lại, thở sâu và suy nghĩ kỹ trước khi thực hiện bất kỳ hành động nào.
Cũng theo ACB, các khách hàng cần kiểm tra và xác minh thông tin của người yêu cầu chuyển tiền trước khi thực hiện bất kỳ giao dịch nào, đặc biệt là trong các tình huống cấp bách hoặc không rõ ràng. Đừng dễ dàng tin tưởng vào những thông tin không được xác nhận hoặc không đầy đủ. Hãy kiểm tra địa chỉ email, số điện thoại, và các thông tin khác liên quan để đảm bảo tính xác thực trước khi tiếp tục.
Nếu nghi ngờ bị lừa đảo, hãy liên hệ ngay với cơ quan chức năng như cơ quan cảnh sát hoặc Ủy ban An toàn mạng quốc gia để nhận sự hỗ trợ và bảo vệ. Việc báo cáo sớm sẽ giúp ngăn chặn hoặc giảm thiểu tổn thất. Họ có kinh nghiệm và kiến thức để xử lý tình huống một cách chuyên nghiệp và hiệu quả, đồng thời cung cấp cho bạn hỗ trợ cần thiết để giải quyết vấn đề.
Khi tạo tài khoản ngân hàng có thể cung cấp các biện pháp bảo vệ tài khoản và hỗ trợ trong việc theo dõi và ngăn chặn các giao dịch đáng ngờ. Liên hệ với ngân hàng ngay khi phát hiện bất kỳ hoạt động nào đáng ngờ để họ có thể hỗ trợ bạn trong quá trình giải quyết vấn đề. Họ có thể đóng tài khoản của bạn tạm thời hoặc tìm cách phục hồi số tiền bị mất.
Còn theo Ngân hàng SeABank, để đảm bảo thanh toán trực tuyến an toàn, suôn sẻ khách hàng cần thường xuyên kiểm soát thanh toán trực tuyến trên trang web Internet Banking hoặc ứng dụng Mobile Banking của ngân hàng: Kiểm soát thanh toán trực tuyến thường xuyên giúp người dùng phát hiện các giao dịch bất thường, từ đó có thể chủ động khóa thẻ để kẻ gian không thể thực hiện giao dịch ngay cả khi có thông tin thẻ.
Gọi lên tổng đài hỗ trợ của ngân hàng để yêu cầu khóa dịch vụ hoặc thay đổi hạn mức giao dịch khi phát hiện bất thường: Phương pháp này được các ngân hàng khuyến khích khách hàng sử dụng khi chủ thẻ phát hiện có những giao dịch bất thường.
Tuyệt đối giữ bảo mật thông tin cá nhân: Các thông tin mà bạn cần tuyệt đối giữ bảo mật đó là: sổ thẻ, số tài khoản, tên truy cập của tài khoản ngân hàng; các thông tin cá nhân như: họ tên, ngày sinh, địa chỉ, số chứng minh nhân…
Không sử dụng các phần mềm không rõ nguồn gốc trên các thiết bị giao dịch trực tuyến: Hãy truy cập các kho ứng dụng uy tín như Apple app store, Google Play hoặc Windows store để tải và cài đặt các ứng dụng ngân hàng trực tuyến internet banking/Mobile Banking. Tuyệt đối không sử dụng các phần mềm không rõ nguồn gốc.
Đặt mật khẩu có tính bảo mật cao: Nên đặt mật khẩu có cả chữ, số và ký hiệu để đảm bảo tính bảo mật cao nhất. Nếu có thể, bạn hãy thay đổi mật khẩu định kỳ khoảng 3 tháng 1 lần.
Đăng ký sử dụng OTP: OTP là mật khẩu 1 lần duy nhất, chỉ được gửi tới khách hàng khi bạn xác lập giao dịch. Do đó, nếu đăng ký sử dụng mật khẩu OTP, các đối tượng lừa đảo có thể tấn công tài khoản nhưng nếu không có mã OTP thì vẫn không thể thực hiện được hành vi rút tiền.
Sử dụng dịch vụ tin nhắn chủ động: SMS Banking là dịch vụ truy vấn số dư tài khoản chủ động. Chủ tài khoản nếu sử dụng dịch vụ này có thể theo dõi biến động số dư thường xuyên và liên tục ngay cả khi không có wifi, internet nên có thể phát hiện các giao dịch bất thường nhanh chóng.
Thoát khỏi tài khoản sau mỗi giao dịch: Đây là điều mà rất nhiều khách hàng quên sau khi thực hiện xong giao dịch gây mất tiền oan. Do đó, bạn nên “Thoát” hoặc “Đăng xuất” hoàn toàn khỏi tài khoản sau khi đã giao dịch thành công để đảm bảo an toàn và tránh rủi ro trong thanh toán trực tuyến.
Cảnh giác với các hình thức lừa đảo khi thanh toán online: Các hình thức lừa đảo khi thanh toán online ngày càng trở nên tinh vi hơn. Vì vậy khi sử dụng hình thức thanh toán trực tuyến bạn cần nâng cao cảnh giác để tránh tình trạng lừa chuyển tiền.
Bình luận