Hơn 6000 vụ việc lừa đảo được phát hiện chỉ trong một năm
Tại Việt Nam, cứ 10 người thì có tới 7 người từng nhận được cuộc gọi, tin nhắn lừa đảo hoặc có dấu hiệu lừa đảo. Chỉ trong một năm, Bộ Công an đã phát hiện hơn 6000 vụ việc, tổng số tiền thiệt lại lên tới 12 ngàn tỷ đồng. Google đã phải chặn hàng triệu ứng dụng nghi chứa mã độc. Các ngân hàng liên tục nâng cấp lớp bảo mật cho thanh toán trực tuyến hay thanh toán qua thẻ…
Những thông tin trên đã được công bố tại chiến dịch phòng chống lừa đảo trực tuyến được Google và phối hợp với Bộ Công an tổ chức vào cuối tháng 6 vừa qua. Cùng với việc đưa ra những con số đáng lo ngại về vấn đề lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam, Google cũng đã đưa ra những biện pháp kỹ thuật liên quan đến việc xác nhận những ứng dụng chính chủ từ những cơ quan của Chính phủ hay những biện pháp phát hiện những số điện thoại lừa đảo gọi điện cho người dân, hoặc những tin nhắn hoặc thư rác gửi tới trong các hộp thư điện thoại. Chiến dịch phòng chống lừa đảo trực tuyến đã đến lúc phải hành động.
Theo ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng ban Công nghệ Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, điều mà Bộ Công an và Google nhấn mạnh nhiều nhất đó là phải có một chiến dịch tuyên truyền, quảng bá những thông tin liên quan đến nhận diện các hình thức lừa đảo. Bộ Công an và Google sẽ dùng hình thức thông điệp để “bắt bài” các hình thức lừa đảo. Với những diễn đạt ngắn gọn bằng hình ảnh hay âm thanh, sẽ truyền tải thông tin về những hình thức lừa đảo, qua đó nâng cao nhận thức của người dân.
![]() |
Trước quá nhiều hình thức được những kẻ xấu đưa ra áp dụng hiện giờ, ai cũng có thể là nạn nhân của lừa đảo. Thậm chí, còn tinh vi tới mức có người bị lừa đảo đến hai lần. Vừa bị lừa đảo, lại bị chính đối tượng lừa đảo giả danh là công an gọi tới để giúp xử lý sự việc. Theo Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao - Bộ Công an, hiện nay, đang có 7 hình thức lừa đảo phổ biến nhất. Điểm chung của 7 hình thức này mà các đối tượng lừa đảo sử dụng đó là khai thác vào yếu tố tâm lý.
Làm sao để mọi người có thể tự nhận thức và nhận biết được đây là có dấu hiệu lừa đảo? Trên không gian mạng hiện giờ, yếu tố về lừa đảo đang rất phổ biến. Việc chúng ta tìm được một cơ hội hay bất ngờ nhận được một cuộc gọi thì phải đặt ngay nghi vấn đây có thể là một cuộc lừa đảo. Chúng ta phải có cách xác minh lại. Việc xác minh này cũng phải đòi hỏi những kỹ năng.
Ông Vũ Ngọc Sơn chia sẻ, có nhiều cách đề xác minh như thông qua các hình thức khác, thay vì liên hệ trực tiếp thì có thể kết thúc cuộc gọi và liên hệ lại với những số điện thoại đã được công bố. Hoặc có thể trao đổi với người có kinh nghiệm, những người trẻ có nhiều kiến thức, kỹ năng trên không gian mạng. Hoặc có thể trao đổi với những chiến sĩ công an khu vực - đây là những người có thể tiếp xúc với những trình báo của các nạn nhân, từ đó biết được đang có những thủ đoạn lừa đảo nào, từ đó có thể hỗ trợ giúp chúng ta giải đáp và cảnh giác trước các thủ đoạn trên không gian mạng.
Nguy cơ lừa đảo từ các công cụ AI
Trong các hình thức lừa đảo trực tuyến trên không gian mạng hiện giờ, người dùng còn phải đối mặt với những nguy cơ lừa đảo từ các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI). Nhờ có AI, chỉ với một vài thao tác đơn giản, bất kỳ ai cũng có thể tạo ra một video giả mạo như thật, tuy nhiên, video AI đã và đang tạo ra những rủi ro cho chính người sử dụng nó như mất tiền, mất dữ liệu khi mua phải tài khoản từ các nguồn trôi nổi. Người dùng tò mò thử nghiệm, còn kẻ xấu lợi dụng điều đó để lừa đảo ngày càng tinh vi hơn. Có tới 70% người dùng không thể phân biệt được đâu là video thật, đâu là video do AI tạo ra.
Để hiểu rõ hơn các hình thức lừa đảo bằng AI và cách nhận diện phòng, tránh, ông Vũ Ngọc Sơn cho biết, AI là sản phẩm của công nghệ số, do đó, những gì liên quan đến AI chỉ tồn tại trên không gian mạng. Với AI hiện nay có thể giả mạo về hình ảnh, giả mạo về giọng nói và có thể sinh ra những nội dung dựa trên những nội dung có thật trước đó, sau đó sẽ có những biến tấu dựa theo ý đồ của kẻ xấu.
Hiện nay AI được ứng dụng vào các hoạt động, ví dụ như các đối tượng lừa đảo có thể mạo danh người nổi tiếng, những người thân hoặc bạn bè để tạo ra kịch bản lừa đảo. Hoặc tạo ra những tin giả. Tin giả là những nhân vật không có thật hoặc câu chuyện không có thật, song rất giật gân hoặc đánh vào lòng thương cảm của mọi người để tạo ra dư luận, thậm chí là dùng để nói xấu hay bôi nhọ người khác. AI đang hỗ trợ làm những việc mà rất nhiều đối tượng xấu có thể khai thác trên không gian mạng. Khi theo dõi những video được tạo từ AI, ai cũng thấy bất ngờ vì độ chân thực của nó. Rất nhiều người có thể dễ dàng mắc bẫy các đối tượng lừa đảo sử dụng video từ AI như vậy.
![]() |
Tuy nhiên, nếu bình tĩnh xem xét, các video được làm từ AI sẽ có độ chân thật chưa đạt tới mức như thực tế. Dấu hiệu nhận biết thêm nữa để người dùng có thể phát hiện ra đó là video do AI tạo ra, theo ông Vũ Ngọc Sơn, nếu AI tạo ra những nội dung giả mạo hoặc những nội dung nhằm bôi nhọ người khác, nó chỉ xuất hiện trên những kênh không chính thống. Việc đầu tiên người dùng cần lưu ý đó là xem nguồn gốc của video này ở đâu? Đoạn ghi âm hay đoạn văn bản này ở đâu? Nếu chỉ đăng tải ở những trang không chính thống, không phải là một trang báo chí thì phải đặt ngay câu hỏi nghi ngờ đây có phải là nội dung thật hay không? Thêm nữa, nội dung này thường xuất hiện ở các bối cảnh rất đặc biệt, ví dụ như đối tượng sẽ phải chọn vào những thời điểm hay đưa vào những hội nhóm trao đổi những vấn đề liên quan đến giật gân, bạo lực hay còn gọi là “buôn chuyện”. Rõ ràng nguồn gốc và độ chân thật của video nếu chúng ta đủ bình tĩnh để xem thì sẽ nhận ra đâu là giả, đâu là thật.
Ông Vũ Ngọc Sơn cho rằng, có thể nói tất cả những thành phần, lứa tuổi trong xã hội thì đều có thể là nạn nhân của AI. Khi tham gia không gian mạng, bất cứ ai cũng có thể trở thành nạn nhân, đối tượng của việc bị tấn công bằng AI.
Ngoài việc gắn nhãn cho những video do AI tạo ra, về mặt quản lý, những giải pháp nhằm ngăn chặn và hạn chế hậu quả từ việc lợi dụng AI để lừa đảo được ông Vũ Ngọc Sơn đưa ra đó là, cần có bộ luật dành riêng cho AI. “AI là sản phẩm mới, nó xuất hiện sau khi các luật như Luật An ninh mạng, hay các luật liên quan đến công nghệ đã ra đời. Rõ ràng cần phải điều chỉnh, bổ sung, thậm chí có luật mới liên quan đến AI, trong đó phải nhấn mạnh việc không được sử dụng AI vào những mục tiêu, những hành vi vi phạm vào quyền lợi hợp pháp của người khác, ví dụ như giả mạo, lừa đảo…” - ông Vũ Ngọc Sơn phân tích.
PV
Bình luận