Động lực này càng được thúc đẩy mạnh mẽ khi Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị xác lập khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là trụ cột phát triển quốc gia. Các giải pháp công nghệ như Trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn, blockchain, thực tế ảo (VR) đã giúp du khách nâng cao trải nghiệm, phát triển du lịch bền vững. Năm 2024, lượng khách nội địa đạt khoảng 110 triệu lượt, khoảng 17,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng gần 39% so với năm 2023 và tổng doanh thu đạt khoảng 850.000 tỷ đồng...
Hiệu quả của chuyển đổi số
Là một Việt kiều nhiều năm xa quê hương, anh David Đức (quốc tịch Anh) đã chọn Bảo tàng Quảng Ninh là điểm đến đầu tiên trong chuyến tham quan, du lịch. Anh ngạc nhiên khi thấy tất cả từ không gian trưng bày đến hình thức thuyết minh đều được ứng dụng công nghệ số. Trước đây du khách phải mua vé giấy thì nay đã có thể mua vé trực tuyến và kiểm soát vé bằng hệ thống cửa tự động sau khi quét mã QR.
Hệ thống thuyết minh tự động (Audio Guide) hỗ trợ du khách bằng tiếng Anh, tiếng Việt. Ngôn ngữ thuyết minh dễ hiểu, dễ nhớ, được kết hợp mã số tương ứng với mỗi khu trưng bày như Di tích Yên Tử và thiền phái Trúc Lâm, khai thác than hầm lò... đã giúp khách tham quan hiểu sâu hơn về lịch sử, văn hóa và con người vùng đất mỏ. Ngoài ra, du khách có thể trải nghiệm bảo tàng thực tế ảo 3D tại website baotangao.baotangquangninh.vn; số hóa 360 độ qua camera đặt tại các khu di tích, điểm du lịch để cùng lúc tham quan, khám phá các điểm đến ấn tượng như Đình Trà Cổ, chùa Đồng - Yên Tử, Vịnh Hạ Long…
![]() |
Tại Đà Nẵng, địa phương nhiều năm liền đứng đầu về chuyển đổi số , các ứng dụng “Một chạm đến Đà Nẵng” (VR360); Tích hợp công nghệ Scan 3D; Cổng thông tin du lịch điện tử; Hội chợ du lịch trực tuyến (Online Travel Fair) đã góp phần quảng bá, xúc tiến du lịch hiệu quả. Nhiều du khách ấn tượng khi chứng kiến robot MARS có tên gọi “Ms.Ariyana” do Khách sạn Furama Resort Đà Nẵng đưa vào hỗ trợ công tác tổ chức. Robot này đã tham gia nhiều sự kiện quan trọng như: Đón tiếp Tổng Bí thư Tô Lâm vào ngày 29/3/2025, Ngày vi mạch bán dẫn Đà Nẵng năm 2024; Super Vietnam năm 2025; AI Đà Nẵng năm 2025 và hàng trăm hội nghị khác. Sự xuất hiện của robot góp phần chuyên nghiệp hóa dịch vụ và tối ưu hóa nhân sự.
Du lịch Hà Nội có nhiều loại hình đa dạng, phong phú như tâm linh, làng nghề, di tích văn hóa lịch sử… Với sự hỗ trợ từ Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, Hà Nội đã triển khai 13 điểm ứng dụng hệ thống vé điện tử “Trực tuyến-Liên thông-Đa phương thức” tại Di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám; Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử quốc gia...
Theo thống kê của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), tỷ lệ khách du lịch trong nước đặt phòng khách sạn và đặt tour trực tuyến đạt hơn 60%; tỷ lệ khách du lịch quốc tế sử dụng hai dịch vụ này đạt hơn 75%.
Phó Cục trưởng Du lịch quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy cho biết, chuyển đổi số đang từng bước làm thay đổi diện mạo ngành du lịch Việt Nam theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại và hiệu quả hơn, đó là tạo lập hệ sinh thái số dùng chung cho toàn ngành như: Hệ thống dữ liệu du lịch Việt Nam, phần mềm báo cáo thống kê du lịch, ứng dụng “Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel”...
Tạo tư duy nền tảng cho quá trình đổi mới sáng tạo
Tại nhiều địa phương như Hà Nội, Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh... đã số hóa điểm đến, áp dụng vé điện tử, thanh toán không tiền mặt. Các doanh nghiệp du lịch đã bắt đầu ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) vào kinh doanh, phân tích thị trường và chăm sóc khách hàng. Công nghệ tiết kiệm năng lượng và internet vạn vật (IoT) cũng được ứng dụng tại các cơ sở lưu trú.
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Lâm Nguyên, toàn tỉnh đã có gần 200/370 di tích được gắn mã QR để du khách có thể quét và tự tìm hiểu về văn hóa, lịch sử.
Cũng thông qua các nền tảng ứng dụng công nghệ số, ngành du lịch Thủ đô đã xây dựng chiến lược truyền thông trên các nền tảng số nhằm quảng bá hình ảnh du lịch văn minh, an toàn và thân thiện. Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết, cùng với các loại hình du lịch như du lịch về đêm gắn với di tích lịch sử, văn hóa tại Nhà tù Hỏa Lò, Hoàng thành Thăng Long…, du lịch khám, chữa bệnh cũng được thành phố quan tâm đầu tư với “Trung tâm kỹ thuật cao và tiêu hóa Hà Nội tại Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn”. Các sản phẩm du lịch nông nghiệp chất lượng cao, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng gắn với xây dựng nông thông mới đã thu hút được hàng nghìn lượt khách trong và ngoài nước mỗi năm.
Các doanh nghiệp du lịch, nhất là trong mảng lưu trú, đã chuyển dịch mạnh sang nền tảng số. Hầu hết khách sạn ở Đà Nẵng đã ứng dụng các nền tảng như Agoda, Booking, Traveloka… để giúp khách hàng tra cứu và đặt phòng nhanh chóng. Một số khách sạn lớn, chuỗi quốc tế còn triển khai hệ thống số hóa như chatbot tích hợp Chat GPT, hệ thống quản lý thông tin khách sạn và trải nghiệm du lịch 360 độ với ứng dụng công nghệ thông minh trong làm thủ tục tự động tại quầy hoặc qua ứng dụng điện thoại, nhận-trả phòng nhanh chóng và ứng dụng di động đặt dịch vụ, gọi đồ ăn, phản hồi online…
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết, nếu không đi cùng thời đại, ngành du lịch sẽ khó cạnh tranh trong bối cảnh thị trường toàn cầu ngày càng khốc liệt. Ngay từ năm 2018, khi Luật Du lịch có hiệu lực, việc ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại đã được xác định là định hướng trọng tâm để phục vụ công tác quản lý và phát triển ngành du lịch. Nhiều hoạt động được tổ chức theo tinh thần đổi mới, tiêu biểu là các kỳ hội chợ du lịch quốc tế với chủ đề gắn liền với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Đây là bước đi quan trọng tạo tư duy nền tảng cho quá trình đổi mới sáng tạo ngành du lịch.
(Theo HTV)
https://htv.com.vn/chuyen-doi-so-don-bay-phat-trien-du-lich-222250709074802502.htm
Bình luận