Chuyển đổi số: Mở rộng cánh cửa thị trường

Trong kỷ nguyên số, chuyển đổi số đã, đang và sẽ là xu hướng tất yếu đối với mọi lĩnh vực kinh tế; trong đó, chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại đang trở thành "chìa khóa" giúp xóa nhòa khoảng cách địa lý, kết nối trực tiếp doanh nghiệp với người tiêu dùng trong nước và quốc tế.

12:53, 30/06/2025

Vừa mới đây, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 18/6 về việc đẩy mạnh giải pháp xúc tiến thương mại trong và ngoài nước; trong đó, nội dung trọng tâm là thúc đẩy xúc tiến thương mại trên nền tảng số, giảm phụ thuộc vào phương thức truyền thống và mở rộng thị trường xuất khẩu qua các hiệp định thương mại. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại trực tuyến quy mô lớn, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao kỹ năng số, sử dụng công cụ marketing số, dữ liệu lớn và AI để khai thác hiệu quả thị trường quốc tế.

Theo các chuyên gia, chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại bao gồm việc sử dụng nền tảng công nghệ thông tin, thương mại điện tử, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo để tổ chức, triển khai các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm, kết nối giao thương và tìm kiếm đối tác kinh doanh. Đây là phương thức giúp doanh nghiệp tiếp cận khách hàng nhanh chóng hơn, chi phí thấp hơn và linh hoạt hơn so với mô hình truyền thống.

Thực tế cho thấy, tính đến đầu năm 2025, có tới 32% doanh nghiệp nhỏ và vừa đã thiết lập quan hệ kinh doanh với đối tác nước ngoài thông qua nền tảng trực tuyến. Thương mại điện tử xuyên biên giới đang trở thành xu hướng chủ đạo, đặc biệt khi các nền tảng như Amazon, Alibaba, Shopee Global... tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa Việt chạm tay người tiêu dùng toàn cầu theo cách nhanh chóng và hiệu quả.

Công ty TNHH BaKa (Gia Lai), đơn vị chuyên sản xuất cà phê đặc sản, là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong việc áp dụng công nghệ số vào xúc tiến thương mại. Ngoài việc xây dựng trang web giới thiệu sản phẩm, doanh nghiệp này còn đầu tư làm video quảng bá, tạo gian hàng trên các sàn thương mại điện tử như: Shopee, TikTok Shop, Lazada, Postmart. Đặc biệt, hoạt động livestream bán hàng được tổ chức định kỳ mỗi tuần, kết hợp giữa giới thiệu quy trình sản xuất khép kín và ưu đãi trực tiếp cho khách hàng, mang lại doanh thu tăng trưởng hơn 30% so với trước.

Các nhà sáng tạo nội dung giúp bà con nông dân Hưng Yên tiêu thụ nhãn lồng và nông sản OCOP trên Tiktok. Ảnh: Đinh Văn Nhiều/TTXVN

Tương tự, Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang (Gia Lai) cũng đẩy mạnh quảng bá các dòng sản phẩm tiêu đen, tiêu sọ qua nền tảng mạng xã hội, hội chợ trực tuyến và các chương trình xúc tiến thương mại điện tử. Nhờ sự hỗ trợ kỹ thuật từ Sở Công Thương Gia Lai và các đơn vị đối tác, hợp tác xã đã hoàn thiện hồ sơ truy xuất nguồn gốc điện tử, tạo mã QR riêng cho từng dòng sản phẩm, giúp người tiêu dùng dễ dàng kiểm tra xuất xứ, chứng nhận chất lượng.

Bà Đỗ Thị Gấm - Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã dược liệu sinh thái Ngọc Trà (Nam Định) cho biết: Nhờ được tập huấn kỹ năng livestream, giới thiệu sản phẩm ấn tượng nên đã thu hút được một lượng lớn khách hàng mới ở nhiều tỉnh, thành trong khu vực. Hiện tại, trung bình mỗi tháng, hợp tác xã xuất bán trên 100 kg, có tháng cao điểm đạt 200 kg. Do đó, hợp tác xã đang tiếp tục trau dồi kỹ năng xúc tiến thương mại, bán hàng trên nền tảng số để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Không dừng lại ở bán lẻ, một số doanh nghiệp còn kết nối trực tiếp với đối tác trong và ngoài nước thông qua nền tảng hội chợ ảo, B2B online, tìm kiếm đối tác qua hệ thống dữ liệu ngành công thương. Việc sử dụng công cụ phân tích xu hướng tiêu dùng, hành vi khách hàng từ nền tảng cũng được một số doanh nghiệp tiên phong khai thác, phục vụ cho chiến lược phát triển sản phẩm phù hợp.

Nhận thấy tiềm năng của thương mại điện tử, Hợp tác xã Nông nghiệp Hena (Đắk Lắk) - chuyên sản xuất, chế biến, kinh doanh các loại tinh dầu và dầu ép lạnh đã chú trọng phát triển kinh doanh trên các nền tảng công nghệ số. Theo đó, hợp tác xã đã tạo dựng được thương hiệu và kinh doanh có hiệu quả trên các nền tảng mạng xã hội và thương mại điện tử giúp hợp tác xã tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng mới và ký kết được nhiều hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước như Malaysia, Đài Loan, New Zealand, Australia.

Ông Văn Quốc Việt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Ngon Avatar cho hay: Trước đây, để quảng bá sản phẩm, công ty phải tham gia hội chợ tỉnh, hội chợ miền Trung - Tây Nguyên hoặc kết nối qua kênh đại lý. Nhưng giờ chỉ cần chiếc điện thoại và một đường truyền ổn định là có thể giới thiệu sản phẩm cà phê trực tiếp tới người tiêu dùng cả nước. Chi phí giảm mà hiệu quả lại tăng rõ rệt.

Không chỉ là nỗ lực riêng lẻ của doanh nghiệp, quá trình chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại tại Gia Lai còn có sự đồng hành tích cực từ cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là Sở Công Thương Gia Lai. Mới đây, Sở Công Thương Gia Lai phối hợp với Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) và TikTok Shop đồng hành tổ chức Chương trình tập huấn về ứng dụng AI trong hoạt động marketing, kinh doanh; xây dựng hệ thống bán hàng trên nền tảng thương mại điện tử.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương cho biết: Thời gian tới, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ tiếp tục đẩy mạnh đào tạo, đặc biệt thông qua hình thức trực tuyến để phù hợp với điều kiện doanh nghiệp. Các chương trình sắp tới sẽ được thiết kế thực tiễn xoay quanh bốn trụ cột: Go Online, Go Export, Go AI, Go Right.

Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) nhấn mạnh: Sự biến đổi của tình hình thế giới, khu vực đem lại cả thuận lợi và thời cơ, khó khăn và thách thức đan xen, đặt ra nhiều yêu cầu mới trong xúc tiến thương mại. Do đó, xúc tiến thương mại thời gian tới sẽ linh hoạt, kết hợp xúc tiến thương mại truyền thống với hiện đại, gắn với thương mại điện tử, kinh tế số.

Đặc biệt, Bộ Công Thương sẽ tập trung đầu tư chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, qua đó tăng cường truyền thông, quảng bá, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa thương hiệu Việt Nam. Đây là cơ hội vàng để doanh nghiệp Việt, đặc biệt là khu vực hợp tác xã và doanh nghiệp vừa và nhỏ, có thêm cánh tay nối dài ra thị trường thế giới.

(TTXVN)

Bình luận

Tin bài khác

Chính phủ thành lập Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia, cấp vốn 1.000 tỷ đồng
12:26, 30/06/2025

Chính phủ thành lập Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia, cấp vốn 1.000 tỷ đồng

Chính phủ thành lập Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia để thúc đẩy phát triển, khai thác, ứng dụng, quản trị dữ liệu quốc gia. Đây là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận và giao Bộ Công an quản lý.

Xem thêm
Giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội không phụ thuộc vào địa giới hành chính
09:33, 30/06/2025

Giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội không phụ thuộc vào địa giới hành chính

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 164/2025/NĐ-CP ngày 29/6/2025 quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội và Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm.

Xem thêm
Bảo đảm việc cung cấp dịch vụ công thông suốt, không bị gián đoạn
10:25, 27/06/2025

Bảo đảm việc cung cấp dịch vụ công thông suốt, không bị gián đoạn

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 318/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng tại cuộc họp về triển khai giải pháp thực hiện rà soát, đánh giá, nâng cấp, phát triển các hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành và phục vụ người dân, doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu sắp xếp đơn vị hành chính theo mô hình mới.

Xem thêm
Gỡ rào cản phi thuế quan vì thịnh vượng chung ASEAN
16:10, 27/06/2025

Gỡ rào cản phi thuế quan vì thịnh vượng chung ASEAN

Trong nền kinh tế số, sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử và hạ tầng số đang kéo theo nhu cầu đầu tư mạnh vào fintech, trí tuệ nhân tạo và an ninh mạng. Những rào cản phi thuế quan như quy định lưu trữ dữ liệu trong nước và bảo hộ sở hữu trí tuệ không đồng đều là mối lo ngại lớn…

Xem thêm
VNPT dẫn đầu tốc độ Internet Wi-Fi tại Việt Nam ba tháng liên tiếp
14:26, 27/06/2025

VNPT dẫn đầu tốc độ Internet Wi-Fi tại Việt Nam ba tháng liên tiếp

Theo báo cáo từ nền tảng đo tốc độ Internet i-Speed (thuộc Trung tâm Internet Việt Nam, VNNIC), VNPT tiếp tục khẳng định vị thế của mình khi duy trì ngôi đầu về tốc độ Internet Wi-Fi tại Việt Nam trong ba tháng liên tục, từ tháng 3 đến tháng 5/2025.

Xem thêm
50.000 kỹ sư bán dẫn và hành trình không ai được đứng ngoài cuộc
16:11, 27/06/2025

50.000 kỹ sư bán dẫn và hành trình không ai được đứng ngoài cuộc

Nếu chip bán dẫn là "trái tim" của thế giới công nghiệp hiện đại, thì nhân lực chính là mạch máu để quả tim ấy hoạt động. Khi Việt Nam đặt ra mục tiêu đầy tham vọng: Đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn đến năm 2030 – đó không chỉ là con số, mà còn là một lời tuyên bố rằng chúng ta sẵn sàng bước vào "bản đồ công nghệ cao toàn cầu" bằng chính năng lực nội sinh. Câu hỏi đặt ra là ai sẽ viết nên hành trình này?

Xem thêm
Triển khai Cổng DVCQG trở thành điểm "một cửa số" tập trung, duy nhất từ 18h hôm nay 27/6
10:21, 27/06/2025

Triển khai Cổng DVCQG trở thành điểm "một cửa số" tập trung, duy nhất từ 18h hôm nay 27/6

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng vừa ký Công điện số 96/CĐ-TTg ngày 26/6/2025 của Thủ tướng Chính phủ về tập trung hoàn thành nâng cấp, phát triển các hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành và phục vụ người dân, doanh nghiệp bảo đảm thông suốt, hiệu quả, không bị gián đoạn khi sắp xếp đơn vị hành chính và triển khai mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp.

Xem thêm