Công nghệ đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại. Đây chính là yếu tố thúc đẩy tình trạng lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam ngày càng gia tăng với những phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp, năm sau cao hơn năm trước. Một trong những “mục tiêu” tội phạm mạng đang tập trung hướng tới chính là người cao tuổi.
Theo thống kê của Công an TP.HCM, có đến 50% vụ án lừa đảo mà nạn nhân là người cao tuổi xuất phát từ việc họ sợ liên lụy đến con cháu và không am hiểu về công nghệ. Đây chính là những yếu tố khiến các đối tượng lừa đảo lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội.
Hàng loạt vụ việc lừa đảo nhắm vào người cao tuổi trong thời gian qua
Theo thông tin từ Công an Q.Long Biên (Hà Nội), đầu tháng 11 năm 2022, cơ quan này đã tiếp nhận trình báo của bà D. (69 tuổi, trú Q.Long Biên) về việc bà nhận được cuộc gọi từ số máy lạ. Đối tượng tự xưng là đại tá công an và dọa bà D. liên quan đến một đường dây mua bán trái phép chất ma túy, sau đó yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng để phục vụ điều tra. Do lo sợ, bà D. làm theo thì ít phút sau phát hiện tài khoản ngân hàng bị mất gần 6 tỉ đồng. Biết bị lừa, bà D. đã đến trình báo công an.
Lừa đảo qua mạng xã hội cũng là một hình thức phổ biến. Nhiều người cao tuổi bị kẻ xấu kết bạn trên Facebook, Zalo, giả danh người quen lâu ngày không gặp rồi nhờ vay tiền, rủ rê đầu tư, thậm chí dụ dỗ tham gia các chương trình trúng thưởng giả mạo.
Cũng với chiêu thức qua mạng xã hội, đầu năm 2024, bà Nguyễn Thị L., 68 tuổi (tại Hà Nội), đã bị lừa mất 100 triệu đồng qua mạng xã hội Facebook. Một kẻ lừa đảo đã giả danh là con trai bà, thông báo rằng đang gặp khó khăn tài chính và cần gấp một khoản tiền lớn để giải quyết. Bà L. tin tưởng, chuyển khoản ngay lập tức mà không kiểm tra lại thông tin.
Theo thông tin từ Công an TP Hà Nội, ngày 5/4/2024, bà P sinh năm 1956, trú tại quận Hà Đông, Hà Nội đã nhận được điện thoại của một đối tượng tự xưng là cán bộ Công an. Đối tượng nói Căn cước công dân của bà P có liên quan đến đường dây buôn bán ma túy, rửa tiền. Nếu bà P không chứng minh được mình không liên quan thì vài ngày tới sẽ bắt bà. Do lo sợ nên bà P đã chuyển tiền vào tài khoản của các đối tượng để xác minh. Bà P đã thực hiện 32 lần chuyển khoản với tổng số tiền là 15 tỷ đồng. Sau đó, bà P biết mình bị lừa nên đã cơ quan Công an trình báo.
Đặc biệt, ngày 20/6/2025, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cho biết, Cục Cảnh sát hình sự phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an và Công an TP.HCM triệt xóa băng nhóm tội phạm có tổ chức, núp bóng doanh nghiệp để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của hàng trăm nghìn bị hại trên cả nước, do Trần Quang Đạo (SN 1992, trú tại TPHCM) cầm đầu.
Tổ chức này hoạt động với quy mô lớn, có hàng trăm nhân viên, được tổ chức bài bản như một doanh nghiệp thật sự, sử dụng công nghệ cao để tiếp cận và lừa đảo hàng trăm nghìn người, trong đó phần lớn là người cao tuổi.
Chỉ trong vòng 100 ngày gần đây, nhóm này đã chiếm đoạt khoảng 50 tỷ đồng từ hơn 10.000 nạn nhân, đa phần trên 50 tuổi. Tổng số người bị hại kể từ đầu năm 2023 đến nay ước tính lên tới hàng trăm nghìn người, với số tiền lừa đảo lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Nhóm tội phạm này nhắm đến nhóm đối tượng yếu thế: người lớn tuổi, thu nhập thấp, sống phụ thuộc vào lương hưu hoặc tiền tiết kiệm. Đây là những người thiếu hiểu biết về công nghệ, thị trường, dễ tin tưởng vào lời quảng cáo, dễ bị thao túng tâm lý khi liên quan đến sức khỏe.
Hiện cơ quan công an đang tiếp tục mở rộng điều tra, làm rõ vai trò của các cá nhân liên quan và cảnh báo người dân, nhất là người cao tuổi, cần cảnh giác trước các cuộc gọi mời chào tặng quà, quay thưởng, nhận sản phẩm dinh dưỡng qua điện thoại.
![]() |
Người già là đối tượng dễ bị lừa đảo qua mạng nhất |
Chiêu thức lừa đảo người cao tuổi: Muôn hình vạn trạng!
Theo ông Vũ Ngọc Sơn - Trưởng ban Công nghệ Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, có nhiều con đường để các đối tượng lừa đảo có thể thu thập thông tin của những người cao tuổi. Đầu tiên là kênh mua bán bất hợp pháp trên các chợ đen. Các đối tượng khi mua dữ liệu này sau đó sẽ lọc theo năm sinh, từ đó ra được danh sách của người cao tuổi. Hình thức thứ hai đó là các đối tượng có thể tấn công vào các cơ sở, dịch vụ.
Thống kê cho thấy, người cao tuổi thường xuyên gặp các hình thức lừa đảo như: Lừa mua “combo du lịch” giá rẻ; dùng công nghệ Deepfake giả dạng hình ảnh và giọng nói người thân (con cháu làm ăn xa) để nhờ chuyển tiền nhằm chiếm đoạt tài sản; giả danh nhân viên chăm sóc khách hàng tặng quà, mời khám sức khỏe, phát thuốc miễn phí; giả mạo cơ quan, doanh nghiệp, bảo hiểm, ngân hàng, lôi kéo đầu tư tài chính; giả danh công an, kiểm sát viên, cán bộ tòa án gọi điện; lừa đảo chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng; nhận bưu phẩm; tung tin giả về cuộc gọi mất tiền…
Với những chiêu trò lừa đảo tinh vi, cộng với việc nắm bắt được tâm lý lo lắng, hoảng sợ, nhẹ dạ và thiếu hiểu biết về công nghệ của người cao tuổi, nhiều người đã bị lừa hàng trăm triệu, thậm chí là vài tỷ chỉ bằng cuộc gọi giả mạo. Các đối tượng thường sử dụng thủ đoạn hù dọa, khiến người cao tuổi hoảng loạn và dễ dàng làm theo yêu cầu của chúng. Đáng chú ý, các nạn nhân thường giấu con cháu cho đến khi mất hết tiền, khiến việc phát hiện và ngăn chặn trở nên khó khăn hơn.
![]() |
Đối tượng lừa đảo dùng công nghệ Deepfake giả dạng hình ảnh và giọng nói người thân (con cháu làm ăn xa) để nhờ chuyển tiền nhằm chiếm đoạt tài sản |
Người cao tuổi cần trang bị cho mình những kỹ năng nhận diện
Để phòng chống lừa đảo, cơ quan công an đã liên tục đưa ra cảnh báo trong thời gian qua. Theo ông Vũ Ngọc Sơn, với người cao tuổi, việc tiếp xúc với thông tin cũng hạn chế so với nhóm tuổi trẻ hơn. Đặc biệt với hình thức lừa đảo mới đây, có thể nói rất tinh vi, các đối tượng sẽ tổ chức ra những chương trình như thật, khiến cho người cao tuổi rất khó để đề phòng.
Trong trường hợp này, chúng ta vẫn phải nâng cao nhận thức, cảnh giác cho người cao tuổi bằng cách những người trẻ trong gia đình như con, cháu, những người thân của người cao tuổi - những người có điều kiện tiếp xúc các thông tin kip thời hơn, cần phải thường xuyên chia sẻ với người lớn tuổi trong gia đình, từ đó cập nhật thông tin để người lớn tuổi có thể có sự chủ động nhất định trong việc phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng. Hướng dẫn người cao tuổi cách sử dụng các thiết bị công nghệ và mạng xã hội một cách an toàn, đồng thời giải thích rõ về các nguy cơ tiềm ẩn.
Cùng với đó, người già cũng không nên cung cấp thông tin cá nhân như số CMND, CCCD, tài khoản ngân hàng, mã OTP cho bất kỳ ai. Khi nhận được yêu cầu chuyển tiền gấp, họ cần bình tĩnh hỏi ý kiến con cháu, hàng xóm hoặc công an địa phương để xác minh. Học cách sử dụng điện thoại thông minh, cập nhật kiến thức công nghệ cũng là một giải pháp hữu ích để nhận diện lừa đảo qua tin nhắn, cuộc gọi và mạng xã hội. Đặc biệt, họ không nên tham gia vào các hình thức đầu tư có lợi nhuận quá cao, bởi đây thường là dấu hiệu của những mô hình lừa đảo đa cấp...
Bình luận