Giữa lúc hàng loạt chính sách mới được điều chỉnh, nhiều doanh nghiệp nhỏ hay vừa mới thành lập rơi vào trạng thái hoang mang, lo lắng vì không hiểu rõ các quy trình pháp lý. Lợi dụng tình hình này, các đối tượng lừa đảo đã nhanh chóng dựng nên những kịch bản tinh vi, núp bóng hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ thuế, định danh doanh nghiệp để trục lợi.
Chị Thanh Giang, TP Hồ Chí Minh vừa thành lập doanh nghiệp kinh doanh hàng ăn chay, sữa hạt được 1 tháng cũng bị lừa mất sạch 266 triệu trong tài khoản cũng chỉ sau vài thao tác đơn giản.
Đánh trúng nỗi lo hóa đơn đầu vào, đầu ra của doanh nghiệp, các đối tượng hướng dẫn chị tạo dòng tiền ra, vào để chứng minh công ty có giao dịch thực tế, có hóa đơn đầu ra, đầu vào, vốn là yêu cầu quan trọng để kê khai thuế và thực hiện thủ tục định danh doanh nghiệp.
![]() |
Chị Giang cho biết đã hỏi bên làm hồ sơ về thủ tục định danh doanh nghiệp và được xác nhận là bắt buộc. Khi nhóm lừa đảo cung cấp thông tin trùng khớp, chị hoàn toàn tin tưởng và làm theo. |
Cụ thể các đối tượng hướng dẫn chị nhờ người quen chuyển tiền vào tài khoản công ty, sau đó chính chị lại chuyển khoản số tiền đó ra ngoài với mục đích tạo bằng chứng về các hoạt động tài chính của doanh nghiệp.
Trong lúc chị Giang bối rối thực hiện thao tác theo hướng dẫn, các đối tượng tiếp tục gửi một mã QR, yêu cầu chị quét mã ứng dụng ngân hàng. Đồng thời chúng hướng dẫn chị đặt thẻ căn cước và thẻ ngân hàng đè lên màn hình điện thoại nhằm che đi tên người thụ hưởng và số tiền đang chuyển.
“Chúng nói rằng mình phải có hóa đơn đầu ra, đầu vào thì mới định danh được. Lúc đó mình chưa hiểu gì, chỉ nghe theo lời chúng hướng dẫn là nhờ người khác chuyển tiền vào tài khoản mình, rồi lại chuyển ra. Toàn bộ là tiền của mình nhưng để ‘giả lập’ giao dịch.
Ban đầu, mình chuyển 100 triệu từ tài khoản ông xã mình sang tài khoản công ty. Sau đó, chúng bảo mình điền sai nội dung, cần làm lại mã khác. Mình tiếp tục thực hiện thêm một giao dịch 100 triệu nữa. Trong tài khoản công ty còn sẵn 66 triệu, tổng cộng là 266 triệu”, chị Giang kể.
Chị Giang cho biết, khi mình ấn vào hình ảnh, tức đã quét mã QR của các đối tượng. Sau khi quét mã QR, toàn bộ số tiền trong tài khoản đã bị chuyển đi. Điều đáng nói, các giao dịch đều được xác nhận bằng chính Face ID của chị.
“Mình tự chuyển tiền luôn, không ai ép cả. Lúc đó như bị thôi miên, mọi thứ diễn ra quá nhanh, không còn kiểm soát được nữa”, chị Giang nói.
Chị Giang cũng cho biết, trước đó chị có liên hệ bên làm hồ sơ thành lập công ty để hỏi về thủ tục “định danh” doanh nghiệp. Phía hỗ trợ hồ sơ xác nhận rằng hiện nay tất cả các doanh nghiệp đều phải làm định danh và còn gửi cho chị một danh sách yêu cầu. Trùng hợp là nhóm lừa đảo cũng nhắc đến việc “định danh” với cách giải thích tương tự, khiến chị hoàn toàn tin tưởng và làm theo.
Lực lượng chức năng cho biết các đối tượng lừa đảo đã dàn dựng một kịch bản tinh vi, sử dụng hình ảnh giả mạo lực lượng chức năng để đe dọa và khống chế tâm lý nạn nhân, từ đó chiếm đoạt tài sản.
Theo chuyên gia, mọi giao dịch ngân hàng cần được xác minh rõ tên người nhận, không nên quét bất kỳ mã QR nào từ người lạ. Nếu bị yêu cầu che tên người nhận hoặc nội dung giao dịch, đó chắc chắn là hành vi lừa đảo.
Người dân tuyệt đối không làm theo hướng dẫn lạ về chuyển tiền nội bộ để “giả lập giao dịch”; Không quét mã QR từ người lạ hoặc mã không rõ nguồn gốc; Luôn xác minh thông tin qua kênh chính thức như website cơ quan thuế, Sở KH&ĐT hoặc gọi điện đến hotline; Tuyệt đối không để lộ Face ID hay thông tin ngân hàng cá nhân trong quá trình làm việc trực tuyến.
Việc thành lập doanh nghiệp đã là một bước khởi đầu đầy thử thách. Trong bối cảnh biến động chính sách, doanh nghiệp càng cần tỉnh táo trước những “hướng dẫn” phi chính thống, bởi chỉ vài cú chạm, hàng trăm triệu đồng có thể không cánh mà bay.
Hạ Thương
Bình luận