Giả cán bộ thuế, gửi văn bản có dấu đỏ, kịch bản khiến nạn nhân không kịp nghi ngờ
Khoảng 15h, anh Thanh Sang nhận được cuộc gọi từ một người lạ, tự xưng là cán bộ cơ quan thuế, giọng Hà Nội, xưng hô thân mật: “Sang ơi, hồ sơ của em được đồng chí Ích bên cơ quan thuế chuyển giao cho anh rồi. Sau ngày 12/6 sáp nhập tỉnh, anh sẽ là người phụ trách hồ sơ của em. Em kết bạn Zalo với anh nhé”.
Điều khiến anh tin tưởng tuyệt đối là cái tên “anh Ích” chính là cán bộ thuế mà anh vẫn làm việc lâu nay. Ngay sau khi kết bạn Zalo, người này lập tức gửi một văn bản có đóng dấu Công an tỉnh Đắk Nông, yêu cầu anh mang căn cước công dân và giấy phép kinh doanh đến cơ quan để “đồng bộ mã định danh điện tử”.
“Người đó còn gửi cho mình giấy phép kinh doanh ghi rõ tên Nhà sách Vương Ánh Dương, đúng là hộ kinh doanh của mình. Mình không hiểu tại sao họ lại biết cả chuyện mình từng làm việc với anh Ích nữa”, anh Sang kể.
Đỉnh điểm của sự tinh vi là cuộc gọi video sau đó. Người trong video ngồi cạnh không ai khác chính là “anh Ích”, từ khuôn mặt, giọng nói đến phông nền phía sau đều giống hệt người thật, với bối cảnh quen thuộc của văn phòng Chi cục Thuế tỉnh Đắk Nông, từ logo, góc máy đến màu sắc, tất cả đều giống hệt nơi anh từng đến làm việc.
“Lúc đó mình nghĩ: Ủa, vẫn là anh này ngồi làm việc với mình xưa giờ. Mà thông tin anh ta đưa ra về nhà sách, từ chỗ mới mở đến địa điểm cũ kinh doanh lâu năm đúng hết. Rồi còn hỏi thăm: ‘Dạo này tình hình buôn bán sao rồi em?’. Trước đây mình cũng từng tâm sự với bên thuế như vậy mà. Mình chỉ nghĩ chắc anh Ích chia sẻ với người khác, chứ có gì bất thường đâu”, anh nói.
Mọi bối cảnh, lý do và lòng tin đều đã được hợp thức hóa. Sau đó, đối tượng gợi ý anh đặt lịch làm việc online để tiết kiệm thời gian, chỉ cần chuyển khoản 12.000 đồng phí xử lý.
Ban đầu, đối tượng hướng dẫn anh mở ứng dụng thuế, truy cập mã QR code cá nhân để kiểm tra thông tin. Sau vài phút, người này báo: “Sang ơi, thuế của em chưa cập nhật định danh điện tử, em vào xem lại, chụp mã code thuế của em gửi cho anh nhé”.
Sau khi anh gửi mã code, đối tượng tiếp tục dụ dỗ: “Thuế của em đang được miễn giảm, được hoàn thuế đó. Thứ Hai em cứ lên cơ quan Thuế và Kho bạc làm việc. Giờ thì em chuyển phí 12 nghìn trước đi để anh tạo hồ sơ cho nhanh”. Anh Sang nghĩ đơn giản: “12 nghìn chẳng đáng gì”.
![]() |
Mã QR giả được các đối tượng thiết kế tinh vi, mô phỏng giao diện cơ quan Thuế. Thực chất, kho nạn nhân thao tác theo hướng dẫn, giao dịch không hề là phí xử lý mà là lệnh chuyển tiền đến tài khoản của kẻ gian. |
Đối tượng tiếp tục đánh vào tâm lý: “Giờ em muốn nộp 12 nghìn để anh tạo hồ sơ online cho nhanh, hay mai lên cơ quan đợi lấy số thứ tự?”. Trong bối cảnh sáp nhập tỉnh, hồ sơ ùn ứ, cuối tuần cán bộ nhà nước tăng ca giải quyết công việc, mọi thứ càng khiến anh tin tưởng hơn.
Tuy nhiên, hai lần đầu giao dịch báo lỗi và số tiền được hoàn lại. Đến lần thứ ba, đối tượng gửi mã QR mới, yêu cầu anh đặt CCCD che kín phần màn hình hiển thị số tiền và tên người nhận. Vẫn thao tác như cũ, anh dùng Face ID để xác nhận giao dịch.
“Lúc quét mã, mình cứ nghĩ như hai lần trước thôi. Nhưng do CCCD che phần số tiền và người nhận nên mình không thấy gì cả. Sau khi xác nhận, app báo giao dịch thành công, mình mới phát hiện 500 triệu trong tài khoản đã bị chuyển đi. Không còn chuyển về Kho bạc Nhà nước nữa, mà là vào tài khoản cá nhân”, anh kể lại trong sự bàng hoàng.
![]() |
Chỉ trong 3 phút, sau hai lần chuyển 12.000 đồng bị hoàn lại, nạn nhân mất sạch 499.990.000 đồng vào tài khoản lạ, không còn là tài khoản Kho bạc Nhà nước như trước. |
Chưa dừng lại, đối tượng tiếp tục giả vờ hỗ trợ, hỏi han: "Sang ơi, em có nhập gì sai không? Đưa điện thoại anh kiểm tra giúp". Sau đó nhắc: "Tài khoản em vẫn còn hơn 60 triệu nữa đúng không?". Lúc này anh Sang mới thực sự bừng tỉnh, lập tức khóa tài khoản và trình báo cơ quan công an.
Hãy chậm lại để kiểm chứng trước khi chuyển tiền hay làm theo bất kỳ yêu cầu nào
Hiện nay, nhiều ngân hàng ở Việt Nam cho người dùng tạo mã QR tạo sẵn số tiền để thanh toán hoặc chuyển tiền, lợi dụng cách thức này nhiều người đã bị thao túng, chuyển tiền đi mà không biết.
Ông Ngô Minh Hiếu, chuyên gia Giám sát và an toàn không gian mạng quốc gia cho biết, các đối tượng lừa đảo thường nghiên cứu kĩ tâm lý người dân và các chính sách, luật mới của Việt Nam để lập ra các kịch bản lừa đảo, theo sát thực tế.
![]() |
Ông Ngô Minh Hiếu, chuyên gia Giám sát và an toàn không gian mạng quốc gia |
Đặc biệt với sự phát triển của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), tốc độ ra kịch bản càng nhanh, càng tinh vi. Giai đoạn sáp nhập tỉnh thành là lúc người dân mơ hồ về nhiều thay đổi nên càng dễ bị thao túng, lừa đảo.
“Họ nghiên cứu rất kỹ tâm lý người dân và các vấn đề về chính sách, chính trị trong nước. Mỗi khi có luật mới, nghị định mới, thậm chí chỉ là một sự kiện hành chính như sáp nhập tỉnh, họ sẽ lập tức bám vào đó để dẫn dụ nạn nhân”,ông Hiếu phân tích.
“Chưa kể bây giờ họ ra kịch bản rất nhanh. Nhờ AI, họ có thể phân tích thị trường, kinh tế, chính trị của từng khu vực, từng địa phương, rồi thiết kế kịch bản phù hợp đúng theo đặc thù vùng miền”.
Ông Hiếu dẫn chứng, vào mùa thu hoạch cà phê ở Tây Nguyên, thời điểm người dân có tiền kẻ gian sẽ tập trung tấn công vào nhóm người dân tại đây, với những kịch bản đúng hoàn cảnh, dễ tạo lòng tin.
Tương tự, trong giai đoạn sáp nhập tỉnh, chúng giả mạo nhiều cơ quan chức năng như thuế, công an, kho bạc… để yêu cầu người dân cập nhật thông tin, tải app, định danh online, đồng bộ hóa dữ liệu nhằm lấy cắp tài sản.
Thêm vào đó, công nghệ AI và deepfake (giả mạo gương mặt, giọng nói) hiện đang phát tán tràn lan trên mạng.
“Công cụ giả mạo bây giờ miễn phí cũng có, mà bản trả phí cũng chỉ khoảng 25 USD một tháng là đã có thể giả mạo bất kỳ ai. Chúng có thể ghép mặt, giả giọng, dựng cảnh, tạo cảm giác cực kỳ đáng tin cậy”, ông Hiếu cảnh báo.
Trong những kịch bản như anh Thanh Sang, kẻ gian thường tận dụng tâm lý hoang mang của nạn nhân và sự bận rộn của bộ máy chính quyền trong giai đoạn chuyển đổi để tăng tính thuyết phục.
“Chúng sẽ đánh vào cảm giác tiện lợi. Khi người dân đang rối bời, không đủ thời gian để suy nghĩ sáng suốt, thấy có người chủ động hỗ trợ tận tình, lại còn được làm online thì sẽ dễ bị thao túng tâm lý”.
Ông Hiếu lưu ý, hiện nay nhiều phường, xã quá tải, trong khi Bộ Công an cũng đang thúc đẩy cập nhật thông tin qua hình thức trực tuyến. Chính điều đó càng khiến người dân dễ rơi vào bẫy lừa đảo đội lốt chuyển đổi số.
Để tự bảo vệ mình, ông Ngô Minh Hiếu khuyến cáo người dân nên ghi nhớ 4 nguyên tắc quan trọng sau: Đầu tiên, tuyệt đối không tin bất kỳ cán bộ hay cơ quan chức năng nào gọi điện thoại, video call qua Zalo, Facetime. Mọi giấy tờ, thông báo chính thống đều phải có giấy mời hoặc làm việc trực tiếp tại trụ sở cơ quan.
Không tải hoặc cài đặt các ứng dụng lạ, đặc biệt là những app có đuôi không phổ biến như “.apk”, dấu hiệu điển hình của phần mềm độc hại.
Hãy chậm lại để kiểm chứng. Trong giai đoạn nhạy cảm này, nếu nhận được yêu cầu bất thường, hãy kiểm tra thông tin qua nhiều nguồn từ báo chí, cổng thông tin chính thức… Hiện nay, các trường hợp lừa đảo tương tự đang được cảnh báo rộng rãi trên mạng.
Và cuối cùng, tuyệt đối không cung cấp mã OTP hoặc bất kỳ thông tin nhạy cảm nào (CMND/CCCD, số tài khoản, mã PIN…) cho bất kỳ ai qua điện thoại, tin nhắn hay các nền tảng trực tuyến.
Câu chuyện của trên là hồi chuông cảnh báo cho hàng nghìn người dân đang hoang mang giữa thời điểm sáp nhập tỉnh thành và những thay đổi hành chính kéo theo, đặc biệt là các thủ tục định danh điện tử.
Hạ Thương
Bình luận