![]() |
Theo chuyên gia công nghệ Rich Brooks từ Flyte New Media (Mỹ), hơn 1 tỷ người trên toàn thế giới đã là nạn nhân của các vụ rò rỉ dữ liệu chỉ trong nửa đầu năm 2024. Tại Việt Nam, các vụ việc tương tự ngày càng gia tăng, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ nhưng chưa song hành với nhận thức bảo mật của người dùng.
Khi nhận được thông báo dữ liệu bị xâm phạm, việc đầu tiên cần làm không phải là hoảng sợ, mà là xác định rõ loại thông tin bị rò rỉ như email, hay là số CMND/CCCD, tài khoản ngân hàng, số thẻ tín dụng, hoặc mã số BHYT, bảo hiểm.
Tùy vào mức độ nghiêm trọng, các bước cần thực hiện bao gồm:
Thứ nhất cần đổi mật khẩu ngay lập tức, ưu tiên các tài khoản bị ảnh hưởng, sau đó là email, ngân hàng, ví điện tử hay bất cứ dịch vụ tài chính khác. Tránh dùng lại mật khẩu cũ, nên sử dụng trình quản lý mật khẩu để tạo các chuỗi bảo mật mạnh và duy nhất.
Thứ hai kích hoạt xác thực hai lớp (2FA) ở tất cả dịch vụ cho phép, giúp bảo vệ tài khoản dù có bị lộ mật khẩu.
Thứ ba nếu có rò rỉ về tài chính hoặc số CMND/CCCD, hãy liên hệ ngay lập tức với ngân hàng nơi bạn đang sử dụng dịch vụ để thực hiện đóng băng tín dụng (credit freeze) nhằm ngăn chặn kẻ xấu mở tài khoản giả mạo hoặc chiếm đoạt tài sản.
Ngay cả sau khi xử lý các bước khẩn cấp, người dùng vẫn cần theo dõi sát sao tài khoản của mình:
Thứ nhất thường xuyên kiểm tra sao kê ngân hàng, thẻ tín dụng, ví điện tử, thiết lập cảnh báo giao dịch lạ hoặc vượt ngưỡng để phát hiện bất thường.
Thứ hai truy cập AnnualCreditReport.com hoặc các dịch vụ uy tín để kiểm tra báo cáo tín dụng và phát hiện kịp thời những tài khoản bị mở trái phép.
Thứ ba nếu công ty thông báo sự cố có cung cấp dịch vụ giám sát tín dụng miễn phí, đừng bỏ qua. Đây là công cụ cảnh báo sớm về các thay đổi bất thường trong hồ sơ tín dụng, thường có thời hạn từ 1 năm trở lên.
Ngoài ra, người dùng cần đề phòng các chiêu trò lừa đảo ăn theo vụ rò rỉ. Kẻ gian thường gửi email, tin nhắn giả danh ngân hàng, công ty tài chính, hoặc tổ chức nhà nước để khai thác thêm thông tin. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân qua điện thoại hoặc đường link lạ, hãy kiểm tra trực tiếp từ website chính thức hoặc gọi hotline được công bố.
Một dấu hiệu khác cần lưu ý là các hóa đơn y tế, thẻ tín dụng, hoặc cuộc gọi từ công ty thu hồi nợ không rõ nguồn gốc đây có thể là dấu hiệu cho thấy ai đó đang sử dụng danh tính của bạn.
Cách bảo vệ dữ liệu cá nhân về lâu dài để tránh trở thành nạn nhân tiếp theo, người dung nên:
Đăng ký dịch vụ cảnh báo như HaveIBeenPwned.com, giúp phát hiện sớm nếu email của bạn xuất hiện trong các vụ rò rỉ dữ liệu.
Đóng băng tín dụng nếu không có nhu cầu mở tài khoản vay trong tương lai gần. Đây là biện pháp phòng thủ hiệu quả nhất, miễn phí và có thể tạm thời mở lại khi cần.
Liên hệ trực tiếp qua website https://nca.org.vn/home?l=vi Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia (NCA) để được tư vấn cá nhân hóa về mức độ rủi ro và biện pháp hỗ trợ kỹ thuật.
Dù không ai mong mình là nạn nhân của một vụ rò rỉ dữ liệu, nhưng xử lý nhanh chóng và đúng cách có thể giảm thiểu thiệt hại một cách đáng kể. Trong kỷ nguyên số, ý thức bảo mật không còn là lựa chọn, mà là nhu cầu sống còn.
Thu Uyên
Bình luận