Khi người tiêu dùng không muốn lên tiếng
Tại Diễn đàn Xuất bản số 2025 diễn ra vào cuối tháng 6 vừa qua, ông Lâm Thanh chỉ ra một thực tế đáng lo ngại rằng người tiêu dùng Việt Nam vẫn còn khá dễ dãi, nhiều người sẵn sàng mua hàng giả với mức giá của hàng giả.
Yếu tố thứ hai là do người tiêu dùng không hiểu rõ quyền lợi của mình. Nhiều người không biết khiếu nại ở đâu dù thực tế thao tác rất đơn giản.
Ví dụ tại TikTok đã có một cơ chế để người dùng dễ dàng báo cáo về các nghi ngờ liên quan đến hàng hóa. Người dùng có thể báo cáo về các nghi ngờ bằng cách vào "menu" và chọn tính năng "report", hệ thống sẽ tiếp nhận, chuyển đến đội ngũ kiểm duyệt để đánh giá, vậy mà phần lớn người tiêu dùng không làm điều đó.
![]() |
Ông Nguyễn Lâm Thanh, Đại diện TikTok Việt Nam |
Đại diện TikTok Việt Nam dẫn ví dụ và đặt ra một câu hỏi, một dòng sữa đang trôi nổi trên thị trường suốt 5–7 năm qua, nhưng tại sao không ai kiểm tra? Nguyên nhân sâu xa, theo ông, là bởi cơ chế hiện nay vẫn phụ thuộc vào phản ánh từ chính người tiêu dùng. Khi có báo cáo, cơ quan quản lý mới tiến hành kiểm tra, từ đó các nền tảng số mới có căn cứ để gỡ bỏ gian hàng vi phạm.
Nếu người dùng không phản ánh, các hành vi vi phạm sẽ rất khó bị phát hiện. Thế nhưng, điều đáng nói là nhiều người tiêu dùng không muốn mất công khiếu nại, nhất là khi đơn hàng chỉ vài trăm nghìn đồng.
“Nhiều người nghĩ rằng mình mua đơn hàng có 200 nghìn lại còn báo cáo?”, ông Nguyễn Lâm Thanh dẫn lại tâm lý phổ biến.
Nhiều người còn cho rằng việc tố cáo có thể khiến người bán bị mất việc, từ đó hình thành tâm lý nể nang, thương người thay vì hành động để bảo vệ quyền lợi chính đáng của bản thân. Không ít người thậm chí còn không biết rằng chỉ cần vài thao tác đơn giản ngay trên nền tảng thương mại điện tử là đã có thể gửi báo cáo về sản phẩm vi phạm.
Từ thực trạng này, TikTok đang triển khai chiến dịch #AnTâmVuiSắm trong ba tháng gần đây nhằm đào tạo lại thói quen người dùng, nâng cao nhận thức về quyền lợi và trách nhiệm khi mua sắm trên môi trường số.
Theo ông Thanh, để tạo ra một hệ sinh thái thương mại điện tử lành mạnh và bền vững, mỗi người tiêu dùng cần chủ động hành động, từ báo cáo hành vi gian lận, cảnh báo người khác đến đòi hỏi sự minh bạch từ các nền tảng.
Luật hóa trách nhiệm trên nền tảng số
Tuy nhiên, để tạo chuyển biến thực sự, ý thức của người tiêu dùng thôi là chưa đủ. Tại họp báo thường kỳ tháng 7/2025 của Bộ KHCN, ông Hà Minh Hiệp, Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia (TĐC) cho biết, Quốc hội khóa XV đã chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Đây là bước đột phá trong quản lý chất lượng theo hướng hiện đại, minh bạch và số hóa.
![]() |
Ông Hà Minh Hiệp, Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia (TĐC) |
Luật đã quy định rõ mỗi sản phẩm chỉ do một bộ quản lý. Việc chấm dứt tình trạng chồng chéo trách nhiệm giữa các bộ ngành, giúp nâng cao trách nhiệm quản lý và xử lý vi phạm.
Đồng thời, phương pháp phân loại hàng hóa cũng được đổi mới, thay vì chia nhóm hành chính, luật phân loại hàng hóa theo ba mức độ rủi ro là thấp, trung bình và cao.
Đối với nhóm rủi ro cao, doanh nghiệp không được phép tự công bố tiêu chuẩn, mà bắt buộc phải có tổ chức thứ ba thực hiện đánh giá hợp quy. Các nhóm rủi ro trung bình thì doanh nghiệp có thể tự đánh giá và chịu trách nhiệm.
Đặc biệt, lần đầu tiên Việt Nam luật hóa hoạt động truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Với các sản phẩm rủi ro cao, như hóa chất, thực phẩm,...việc truy xuất nguồn gốc là bắt buộc.
Đây là cơ sở để tăng tính minh bạch và trách nhiệm trong toàn bộ chuỗi cung ứng, từ nơi sản xuất đến điểm bán cuối cùng.
Một điểm nhấn khác là nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc công bố sản phẩm, đặc biệt là trên sàn thương mại điện tử. Không còn là “chợ” đơn thuần, các nền tảng giờ phải chủ động công bố thông tin về chất lượng sản phẩm, kiểm tra và xử lý hàng hóa vi phạm, đồng thời thiết lập và vận hành hệ thống tiếp nhận, xử lý phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Song song, Luật cũng xác lập cơ sở pháp lý cho việc ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn trong quản lý chuỗi cung ứng. Bao gồm hệ thống hộ chiếu số, nhãn điện tử, hệ thống truy xuất nguồn gốc, phản hồi người tiêu dùng, giám sát chất lượng qua nền tảng số, hệ thống dữ liệu tích hợp. Những quy định này góp phần hiện đại hóa quản lý chất lượng trên chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo ông Hà Minh Hiệp, luật bổ sung chế tài xử lý vi phạm theo hướng răn đe mạnh hơn, tùy mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính, thu hồi giấy phép hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đồng thời, quy định rõ hành vi nghiêm cấm như thông tin, quảng cáo sai sự thật hoặc có hành vi gian dối về chất lượng, nguồn gốc và xuất xứ sản phẩm, hàng hóa; kinh doanh sản phẩm, hàng hóa không phù hợp tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, đặc biệt trên môi trường số.
Ngoài ra, Luật cũng hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia xuất khẩu thông qua tư vấn, xây dựng, và áp dụng tiêu chuẩn quốc tế, hỗ trợ chứng nhận chất lượng, áp dụng công cụ cải tiến và xây dựng thương hiệu.
Đây là nền tảng pháp lý quan trọng để Việt Nam hội nhập sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, xây dựng xã hội tiêu dùng có trách nhiệm và phát triển bền vững.
Chống hàng giả không chỉ là trách nhiệm của nhà nước, mà cần sự phối hợp của cả người tiêu dùng, doanh nghiệp và nền tảng công nghệ. Khi nền pháp lý hiện đại kết hợp với ý thức người tiêu dùng và công cụ công nghệ số, thì hàng giả mới thực sự không còn đất sống.
Bình luận