Vào giữa tháng 6, người này đã liên hệ với các ngoại trưởng nước ngoài, một thống đốc bang và một thành viên Quốc hội Mỹ thông qua ứng dụng nhắn tin Signal, và đã để lại tin nhắn thoại cho ít nhất hai người trong số họ, theo nội dung của bức điện. Trong một trường hợp, một tin nhắn văn bản đã được gửi để mời người bị nhắm mục tiêu trao đổi qua Signal.
![]() |
Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio |
“Đối tượng này có khả năng đã tìm cách thao túng các cá nhân bị nhắm tới thông qua các tin nhắn văn bản và giọng nói được tạo bằng AI, với mục tiêu truy cập thông tin hoặc chiếm đoạt tài khoản,” bức điện cho hay.
Tờ Washington Post là nơi đầu tiên đưa tin về vụ việc nói trên.
Sự việc xảy ra chỉ vài tuần sau khi chính quyền Mỹ đối mặt với một sự cố an ninh, khi cựu cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Donald Trump, ông Mike Waltz, đã tạo một nhóm trò chuyện trên ứng dụng Signal và vô tình thêm một nhà báo vào nhóm. Sau đó, các thông tin liên quan đến các cuộc tấn công quân sự vào Yemen đã bị chia sẻ trong nhóm này.
“Không có mối đe dọa mạng trực tiếp nào đối với Bộ Ngoại giao từ chiến dịch này, nhưng thông tin chia sẻ với bên thứ ba có thể bị rò rỉ nếu các cá nhân bị nhắm mục tiêu bị xâm phạm,” bức điện cho biết.
Bức điện của Bộ Ngoại giao Mỹ, đề ngày 3/7, đã được gửi tới tất cả các cơ quan ngoại giao và lãnh sự, đồng thời khuyến nghị nhân viên nên cảnh báo các đối tác bên ngoài về nguy cơ các tài khoản giả mạo và hành vi giả danh.
Bức điện không tiết lộ danh tính cụ thể của các ngoại trưởng và chính trị gia Mỹ đã bị liên hệ.
Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao, yêu cầu giấu tên, cho biết: “Bộ Ngoại giao đã ghi nhận vụ việc này và hiện đang tiến hành điều tra.”
“Bộ luôn nghiêm túc với trách nhiệm bảo vệ thông tin và liên tục thực hiện các biện pháp nhằm cải thiện năng lực an ninh mạng để ngăn chặn các sự cố trong tương lai,” vị quan chức cho biết thêm.
Vào giữa tháng 5, FBI cho biết các đối tượng xấu đã sử dụng tin nhắn văn bản và tin nhắn thoại do AI tạo ra để giả mạo các quan chức cấp cao của Mỹ trong một âm mưu nhằm xâm nhập vào các tài khoản cá nhân của các quan chức chính quyền liên bang và tiểu bang.
FBI cảnh báo rằng quyền truy cập vào các tài khoản này có thể bị lợi dụng để tấn công thêm các quan chức khác, người thân hoặc các mối liên hệ của họ, cũng như để khai thác thông tin hoặc chiếm đoạt tiền bạc.
FBI từ chối bình luận về vụ việc.
Không có bức điện tín hay quan chức Mỹ nào chỉ đích danh thủ phạm, tuy nhiên, một tài liệu ngoại giao đề cập đến một chiến dịch thứ hai diễn ra vào tháng 4, được cho là do một tin tặc có liên kết với Nga thực hiện. Tin tặc này đã tiến hành chiến dịch lừa đảo nhắm vào các viện nghiên cứu chính sách, các nhà hoạt động và bất đồng chính kiến ở Đông Âu, cũng như các cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ.
Trong chiến dịch đó, tin tặc đã sử dụng một địa chỉ email giả có đuôi "@state.gov" và sao chép các biểu trưng, nhãn hiệu của Cục Công nghệ Ngoại giao thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ. “Tác nhân này thể hiện kiến thức sâu rộng về các quy ước đặt tên và tài liệu nội bộ của Bộ Ngoại giao,” tài liệu nêu rõ.
Trong chiến dịch nói trên, đối tượng đã giả danh một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ để gửi email đến các tài khoản Gmail cá nhân.
Bộ Ngoại giao cho biết các đối tác trong ngành đã quy trách nhiệm chiến dịch này cho một tin tặc có liên hệ với Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga (SVR). Sự việc xảy ra chỉ vài tuần sau khi Wall Street Journal đưa tin rằng chính quyền liên bang Mỹ đang điều tra một nỗ lực giả mạo Chánh văn phòng Nhà Trắng - bà Susie Wiles.
Moscow thường xuyên bác bỏ mạnh mẽ những cáo buộc như trên nhằm vào họ.
Nguyễn Yến (theo CNA)
Bình luận