Tổ chức có trụ sở tại London cho biết trong một báo cáo rằng họ đã xác định được 53 trung tâm lừa đảo và hàng chục địa điểm nghi vấn khác trên khắp đất nước, bao gồm cả thủ đô Phnom Penh.
Những khu trại giống như nhà tù này được bao quanh bởi hàng rào cao, dây thép gai, có vũ trang canh gác và được vận hành bởi các nạn nhân bị buôn bán, buộc phải lừa đảo người dân trên toàn thế giới. Bên trong, họ bị tra tấn bằng dùi cui điện, nhốt trong phòng tối hoặc bị đánh đập.
![]() |
Amnesty cho biết các phát hiện của họ cho thấy một “mô hình thất bại của nhà nước”, cho phép ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ đô la này phát triển mạnh, bao gồm việc không điều tra các vi phạm nhân quyền, không xác định và hỗ trợ nạn nhân, cũng như không kiểm soát các công ty an ninh và công cụ tra tấn.
“Bị lừa dối, buôn bán và biến thành nô lệ, những người sống sót từ các trại lừa đảo này mô tả việc họ bị mắc kẹt trong cơn ác mộng thực sự — bị lôi kéo vào các tổ chức tội phạm có vẻ như đang hoạt động với sự đồng thuận của chính phủ Campuchia,” Tổng Thư ký Amnesty International - bà Agnes Callamard cho biết.
Amnesty nói rằng chính phủ Campuchia đã không phản hồi danh sách các trại lừa đảo hoặc các địa điểm nghi vấn mà tổ chức này đưa ra. Ủy ban Quốc gia phòng, chống mua bán người của Campuchia chỉ chia sẻ “dữ liệu mơ hồ về các hoạt động can thiệp”, nhưng không rõ liệu nhà nước có xác định, điều tra hay truy tố bất kỳ cá nhân nào liên quan đến vi phạm nhân quyền - ngoài việc giam giữ người trái phép - hay không.
Chính phủ Campuchia cũng chưa đưa ra phản hồi đối với yêu cầu bình luận của Reuters về những thông tin nói trên. Trước đây, Phnom Penh từng tuyên bố rằng họ đang nỗ lực trấn áp các băng nhóm lừa đảo, và hồi tháng 1 đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm do Thủ tướng Hun Manet đứng đầu.
Mặc dù Campuchia đã thực hiện một số cuộc truy quét và giải cứu được một số nạn nhân, Amnesty cho biết hơn hai phần ba các trung tâm lừa đảo vẫn chưa bị cảnh sát điều tra hoặc vẫn tiếp tục hoạt động ngay cả sau khi có sự can thiệp của cơ quan chức năng. Tổ chức này cho biết chỉ có hai cơ sở có vẻ như đã bị đóng cửa.
Trong quá trình giải cứu, cảnh sát không vào bên trong các khu trại mà chỉ gặp đại diện của các cơ sở này, những người chỉ giao nạn nhân đã gọi cầu cứu, theo Amnesty. Một số người sống sót thậm chí còn bị chủ đánh đập sau khi cố gắng liên hệ với cảnh sát.
Trẻ em bị buôn bán
Campuchia đã trở thành một trung tâm của ngành công nghiệp lừa đảo toàn cầu trong thời kỳ đại dịch, khi các băng nhóm tội phạm – chủ yếu do người Trung Quốc cầm đầu – tận dụng các sòng bạc và khách sạn bỏ hoang để biến chúng thành các trung tâm lừa đảo, nơi có thể chứa tới 100.000 người, theo Liên Hợp Quốc. Các khu vực tương tự cũng đang phát triển mạnh ở Myanmar và Lào.
Theo Viện Hòa bình Mỹ (USIP), ngành công nghiệp này hiện đang tạo ra hơn 12,5 tỷ USD mỗi năm – tương đương một nửa tổng GDP của Campuchia.
Trong những ngày gần đây, Thái Lan và Campuchia đã có cuộc khẩu chiến liên quan đến vấn đề lừa đảo, khi căng thẳng biên giới gia tăng. Thủ tướng Thái Lan kêu gọi mạnh tay trấn áp tại Campuchia, trong khi một quan chức khác gọi nước này là trung tâm của tội phạm mạng.
Các băng nhóm tội phạm thu hút nạn nhân bằng các lời mời làm việc giả mạo đăng trên mạng xã hội, sau đó ép buộc họ phải lừa đảo tài chính người khác trên mạng, bao gồm cả chiêu trò tình giả (romance scam) hoặc "lừa đảo kiểu mổ heo" - tức là giả vờ xây dựng lòng tin với nạn nhân trước khi chiếm đoạt tài sản, theo Amnesty.
Amnesty cho biết, trong số 58 người sống sót mà tổ chức này phỏng vấn, có 9 người là trẻ em - bao gồm một cậu bé 16 tuổi người Trung Quốc bị đá và không được phép rời khỏi khu trại. Tổ chức này cũng xác nhận cái chết của một trẻ em người Trung Quốc trong một cơ sở lừa đảo.
Một nạn nhân 18 tuổi người Thái kể với Reuters rằng anh bị buôn sang một khu trại ở Phnom Penh vào năm 2023, và khi cố gắng trốn thoát, anh lại bị bán sang một cơ sở khác gần biên giới Việt Nam.
Người này - yêu cầu giấu tên - bị ép sử dụng phần mềm video deepfake để đóng giả thành một người đàn ông lớn tuổi, hấp dẫn nhằm lừa các phụ nữ Thái chuyển tiền. Sau gần một năm, anh đã nhảy từ cửa sổ trốn thoát, bị thương và ẩn náu trong bệnh viện trước khi trốn thoát thành công.
Nguyễn Yến (theo Asiaone)
Bình luận